Đến tiểu thuyết Dấu chân người lính (1972), Nguyễn Minh Châu đã dựng lên những khung cảnh rộng lớn và hào hùng của hành trình “ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của các binh đoàn chủ lực, rồi những chiến dịch Khe Sanh - Tà Cơn long trời lở đất với những trận đánh ác liệt trên vùng đất Quảng Trị- địa đầu giới tuyến. Cùng với việc tái hiện bối cảnh và không khí lịch sử, ngòi bút Nguyễn Minh Châu đã tập trung khắc hoạ người lính cách mạng với hàng chục nhân vật thuộc các thế hệ khác nhau, đến với quân đội từ những vùng miền, những hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng họ đều mang những phẩm chất chung là lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, niềm say mê chiến đấu và tâm hồn trong sáng. Đông đúc và sinh động nhất là thế hệ trẻ, thế hệ trưởng thành trong chế độ mới ưu việt. Với Dấu chân người lính, Nguyễn Minh Châu đã cố gắng dựng lại không khí dữ dội của chiến tranh chống Mỹ từ những cuộc hành quân, chiến dịch bao vây, đánh lấn trên từng mét chiến hào, từng mỏm đồi cho đến khi kết thúc chiến dịch, vùng Khe Sanh- Tà Cơn được giải phóng. Ở cuộc chiến đấu giằng co, dai dẳng và đầy thử thách này, quá khứ, hiện tại cùng xen kẽ vào nhau để lý giải cội nguồn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, lý giải nguyên nhân sâu xa làm nên những chiến thắng trước cuộc đụng đầu lịch sử khốc liệt bậc nhất trên hành tinh ở thời điểm bấy giờ - ở cái thời điểm mà một nhà thơ phải ngỡ ngàng “ Việt Nam - người là ai mà trở thành nhân loại”.
Nguyễn Thanh Bình